Home Bí Kíp Du lịch Cẩm nang kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải

Cẩm nang kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải

Cẩm nang kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải

Mù Cang Chải là một món quà mà tạo hoá đã ban tặng cho mảnh đất Yên Bái. Những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín trải dài một màu vàng ươm dưới nắng chắc chắn sẽ là khung cảnh mà mọi khách du lịch từng có cơ hội đến đây sẽ không tài nào quên được. Nếu bạn đang tìm kiếm một vài kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải, hãy cùng chúng tôi điểm qua một vài lưu ý nhỏ cho chuyến đi của bạn thêm thú vị nhé.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ MÙ CANG CHẢI

Mù Cang Chải là một thị trấn miền núi nhỏ nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, nơi đây cách Hà Nội khoảng 300km về hướng Tây Bắc. Địa danh này nằm ngay sát dưới dãy Hoàng Liên Sơn cao chọc trời.

Mù Cang Chải từ lâu đã nổi tiếng với khung cảnh những thửa ruộng bậc thang vàng ươm, phảng phất hương lúa ngọt ngào trong những làn gió đồng nội, tỏa ra khắp đất trời.

Với khoảng 2.200ha ruộng bậc thang, trong đó, ba xã tại Mù Cang Chải là: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình có 500ha ruộng bậc thang đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những danh thắng độc đáo bậc nhất của Việt Nam và được xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia.

NÊN DU LỊCH MÙ CANG CHẢI VÀO THỜI ĐIỂM NÀO?

Theo kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải của nhiều người, Mù Cang Chải có hai thời điểm khá đẹp mà bạn có thể sắp xếp thời gian để đến du lịch:

Mùa đổ nước tại Mù Cang Chải

Người dân tại đây chủ yếu canh tác lúa, vì thế, trong khoảng từ tháng 5-6 là mùa đổ nước tại Mù Cang Chải, khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi thì nước được dẫn từ trên núi vào các thửa ruộng bậc thang.

Việc dẫn nước về ruộng giúp cho những mảnh đất khô cằn được “hồi sinh”, thuận tiến hơn cho những người nông dân có thể cấy mùa vụ mới.

Đến thăm Mù Cang Chải vào mùa đổ nước, bạn sẽ được ngắm nhìn những bậc ruộng nhoang nhoáng nước, lấp lánh dưới nắng chiều. Nó không chỉ đơn giản là cảnh đẹp trong lòng khách đến thăm, nó là khởi đầu một mùa vụ, là hy vọng về một mùa lúa ấm no của những người nông dân.

Mùa lúa chín tại Mù Cang Chải

Trong khoảng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 chính là mùa lúa chín tại Mù Cang Chải. Đây cũng là thời điểm thu hút lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm đông nhất.

Mùa gặt đến cũng là lúc những thửa ruộng bậc thang bắt đầu “thay áo”, một màu vàng tươi sáng trải dài khắp vùng đất này. Hơn nữa, trong khoảng thời gian này, bên cạnh cảnh đẹp, thời tiết cũng vô cùng thuận lợi cho các dự định vui chơi khác của bạn: mát mẻ và trong lành.

Ngoài ra, vào tháng 9 hàng năm, người dân  tại đây thường tổ chức lễ hội ruông bậc thang. Khi tham gia lễ hội ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải, ngoài việc được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp ngày gặt, bạn còn được tham gia vào nhiều hoạt động thú vị ở vùng cao như: Chợ phiên, hội thi giã bánh dày,…

CÓ THỂ ĐẾN MÙ CANG CHẢI BẰNG NHỮNG CÁCH NÀO?

Di chuyển bằng phương tiện cá nhân

Theo kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải, thì nếu bạn muốn đi phượt Mù Cang Chải thì tất nhiên là nên chọn cách di chuyển này rồi. Từ Hà Nội đến Mù Cang Chải nếu di chuyển bằng xe máy sẽ mất tầm 8 tiếng.

Cung đường để đến Mù Cang Chải như sau: Đi theo quốc lộ 32 – Thanh Sơn (80km) – Văn Chấn (65km) – Nghĩa Lộ (45km) – Tú Lệ (50km) – La Pán Tẩn (33km) – Mù Cang Chải (23km).

Di chuyển bằng xe khách

Bạn cũng có thể di chuyển bằng xe kháh. Nếu lựa chọn cách này, các bạn nên bắt xe ở các bến xe khách ở Hà Nội đi qua Mù Cang Chải như tuyến Hà Nội – Than Uyên. Các bạn đừng quên nhắc tài xế khi nào qua điểm thì báo cho mình biết.

Lên đến Mù Cang Chải, bạn có thể hỏi thăm địa điểm để thuê xe máy để đi tham quan và du lịch, tiện lợi hơn cũng như tự chủ hơn trong lịch trình vi vu trải nghiệm của mình.

NHỮNG ĐIỂM THAM QUAN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI GHÉ THĂM MÙ CANG CHẢI

Đèo Khau Phạ

Đây là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng bậc nhất Việt Nam. Từ thành phố Yên Bái, ngược theo quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua xã Tú Lệ, đèo Khau Phạ thuộc huyện Mù Cang Chải hiện ra giữa một vùng cao nguyên xanh rờn, bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng.

Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H’Mông, Thái. Phượt đèo Khau Phạ cũng đẹp nhất vào mùa lúa chín, khi lúa trên chân ruộng bậc thang chín vàng nương.

Tuy vậy, bạn nên tránh di chuyển qua con đèo này vào những ngày mưa mù cũng như khi thời tiết xấu. Con đèo không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào, thêm vào đó là sự xuống cấp của con đèo, dễ dàng bị sạt lở, sụt lún vì nằm trong vùng đất đỏ bazan, hệ đất yếu.

Thêm vào đó là sự nguy hiểm rình rập thường xuyên với những tảng đá từ trên núi cao có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Ít có xe tải lớn qua lại trên con đường này vì độ dốc của đèo khiến cho quãng thời gian đi lại trở nên quá dài.

Thác Pú Nhu

Thác Pú Nhu nằm ở bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện Mù Cang Chải tầm 10km. Cái tên Pú Nhu cũng do người dân tộc Mông ở đây đặt, mà theo lý giải của họ, Pú Nhu có nghĩa là suối.

Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Than Uyên (Lào Cai) đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc. Dòng suối tựa chiếc khăn voan trắng đổ xuống giữa hai vách núi cao thẳng đứng. Một vẻ đẹp dịu dàng và thuần nét thiên nhiên, đem lại cảm giác thoải mái, thư giãn khi ngắm nhìn.

Hồ dưới chân thác được gọi là hồ Rồng, nó không sâu lắm nên đến người không biết bơi cũng có thể lội vào gần đến chân thác. Nơi đây người Mông không dám tắm, vì tương truyền có một con rồng đang ngủ yên dưới hồ, và dòng thác chính là nước do con rồng đó phun ra.

La Pán Tẩn

Xã La Pán Tẩn là nơi có nhiều ruộng bậc thang nhất ở Mù Cang Chải với 700 ha ruộng bậc thang, nó cũng nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa “dấu vân tay của trời”.

Đặc biệt có những con đường dốc nhìn như những “mâm xôi vàng” như níu kéo du khách. Tận mắt nhìn La Pán Tẩn mùa lúa chín từ trên cao, người ta mới có thể mở hết tầm mắt, cảm nhận hết cái gọi là “sóng vàng trên non”.

Đây được coi như công trình kiến trúc sáng tạo của người Mông, được nhà nước phong tặng danh hiệu Di tích danh thắng cấp Quốc gia từ cuối năm 2007, là nơi mà những người có kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải đều khuyên nên ghé thăm.

ẨM THỰC ĐẶC SẮC Ở MÙ CANG CHẢI

Xôi nếp Tú Lệ

Món xôi nếp Tú Lệ nổi tiếng bởi nguyên liệu là loại gạo ngon được trồng ở cánh đồng Mường Lò thuộc tỉnh Yên Bái.

Hạt gạo nếp Tú Lệ trứ danh đều, dài, căng mẩy, hạt nào hạt nấy nhìn trong veo rất ngon mắt, chẳng cần thêm nước dừa nước yến gì mà xôi vẫn cứ thơm, dẻo, ngọt từng hạt một. Ngọt mà càng nhai kỹ thì lại thấy bùi. Bùi mà không béo, không ngấy, ăn vào không thấy ngán.

Chính vì lẽ đó, nếu bạn có cơ hội được thưởng thức xôi nếp Tú Lệ, khi ăn vào sẽ thấy rất ngon với hương thơm ngào ngạt đặc biệt.

Châu chấu rang

Vì trồng lúa, có nhiều ruộng đồng nên ở Mù Cang Chải, nhất là tầm tháng 5 và tháng 10 có rất nhiều châu chấu. Châu chấu ăn vào có hương vị bùi bùi, thơm thơm, khi nhai sẽ thấy giòn giòn, vui miệng. Ăn châu chấu rang kèm với xôi thì rất đúng điệu.

Cá Hồi và cá Tầm

Từ chân đèo Khau Phạ phía bên Tú Lệ đi lên khoảng 7km sẽ tới khu vực nhà hàng Khau Phạ, đây là một trong những trang trại nuôi Cá Hồi lớn của Miền Bắc, số lượng cá nuôi ở đây lên tới 10.000 con, cá giống hoàn toàn được nhập và nuôi theo công nghệ từ Châu Âu.

Nhiều món ngon từ Cá Hồi (hoặc Cá Tầm) được chế biến tại đây để phục vụ khách du lịch, nếu đi đoàn đông các bạn có thể vào làm nồi lẩu cho bữa trưa của mình.

Dựa vào những kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải mà chúng tôi vừa chia sẻ, mong rằng chuyến du lịch Yên Bái – Mù Cang Chải của bạn với những dự định và kế hoạch sẽ đều được thực hiện một cách tốt đẹp nhất, mang lại cho bạn những kỉ niệm vui vẻ, ấn tượng và khó quên nhất.

Xem thêm: Hành trình tuổi trẻ cùng những cảnh đẹp Yên Bái